LƯU Ý KHI CHĂM SÓC TÓC NỐI
Bạn đang sở hữu một mái tóc ngắn, nhưng bạn lại ước tóc mình sẽ dài tha thướt… Trước đây, chuyện hôm nay tóc ngắn, ngày mai tóc dài chỉ có trong… mơ. Giờ, đó chỉ là “chuyện nhỏ” với công nghệ nối tóc. Nhưng, bạn biết gì về tóc nối và chăm sóc nó như thế nào?
Hiện nay, 3 cách nối tóc phổ biến nhất là nối bằng keo, nối bằng cách tết bím và nối bằng chốt. Giá thành cho một lần nối tóc vào khoảng từ 2 – 10 triệu đồng tùy theo độ dài mà bạn yêu cầu. Một mái tóc nối đẹp là khi mái tóc đó có mối nối nhỏ, chặt, không cứng và không đau khi gội đầu. Tóc nối có thể thắt bím, uốn lượn, nhuộm hoặc duỗi, xịt màu… như tóc thường.
Những bất tiện của tóc nối
Bạn thử tưởng tượng, chân tóc của bạn tự dưng có hàng trăm mối nối thì sẽ khó chịu như thế nào. Khi mới đi nối tóc về, nhiều người thường có biểu hiện đau đầu do chưa thích nghi ngay được. Những mối nối này nhiều khi còn làm bạn mất ngủ, bởi khi nằm xuống, nó gây cộm ở phần gáy. Xét về tác động vật lý, việc nối ép tóc có thể gây chấn thương sợi tóc, làm cho tóc yếu đi và rụng nhiều hơn mức độ cho phép.
Trung bình mỗi ngày mái tóc thường rụng từ 20 – 30 sợi. Sau khi nối tóc, các tép tóc nối làm cho tóc thật phải “gánh” nặng hơn, đẩy nhanh quá trình rụng tóc. Khi tóc mọc dài, phần tóc giả sẽ lộ ra khiến mối nối trông rất lộn xộn, vì thế một mái tóc nối chỉ đẹp nhất trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng sau khi nối.
Chăm sóc tóc nối đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ |
Để có mái tóc nối bền và đẹp
Việc chăm sóc mái tóc nối cũng hết sức phức tạp. Không thể chải đầu bằng lược thường, vì thế bạn phải dùng loại lược thưa, chải từ đuôi tóc trước và chải dần lên phía trên. Khi có một mái tóc nối, bạn không nên gội đầu tại nhà, thậm chí các hàng gội đầu bình dân cũng chưa chắc đã biết cách gội đầu cho tóc nối. Bởi nếu gội không đúng cách, mái tóc sẽ rối tung lên.
Nếu tự gội, bạn phải tuân thủ các quy định sau. Đứng thẳng dưới vòi hoa sen, xả nước từ trên xuống. Tiếp đó, cho dầu gội ra lòng bàn tay, xoa lên tóc từ trên xuống dưới. Với phần tóc nối, bạn khẽ luồn từng ngón tay vào da đầu và gãi nhẹ nhàng, chú ý làm sạch phần da đầu có tóc nối vì phần da đầu này bị “khó thở” hơn, xả sạch dầu gội bằng nước.
Khi dùng dầu xả, bạn xoa dầu xả lên tóc, luồn các ngón tay vào phần chân tóc và vuốt nhẹ, tuyệt đối không nên xoa phần tóc nối với nhau. Lau khô bằng cách đặt mái tóc chạy dọc khăn quấn tóc và bóp nhẹ để nước thấm vào khăn. Phần tóc nối thêm do không được cung cấp dưỡng chất từ chân tóc nên rất dễ bị khô xơ và chẻ ngọn, vì vậy bạn nên hạn chế dùng máy sấy mà hãy để tóc tự khô. Nếu có điều kiện bạn nên hấp tóc mỗi tuần 1 lần. Hoặc cứ sau vài lần gội đầu bạn dùng dầu hấp ủ lạnh tóc 1 lần trong vòng 20 phút, tóc nối sẽ rất suôn và giảm được hiện tượng rối, rụng tóc sau khi nối.